Hàn Quốc tăng tốc chính sách và dự án thí điểm về pin nhiên liệu hydro
TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 7 năm 2025
Tại Hội thảo Hydrogen Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 16/7/2025, Tiến sĩ Jae-Kyung Kim – chuyên gia cao cấp từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc (KEEI) – đã trình bày tham luận quan trọng về chính sách quốc gia và các dự án thí điểm trong lĩnh vực pin nhiên liệu hydro tại Hàn Quốc. Bài trình bày mang đến cái nhìn toàn cảnh về cách Hàn Quốc đang kiến tạo một nền kinh tế hydro hiện đại, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo Tiến sĩ Kim, chính phủ Hàn Quốc đang triển khai mạnh mẽ các chính sách nhằm đưa hydro trở thành trụ cột trong hệ thống năng lượng quốc gia.
Từ năm 2021, nước này đã công bố Kế hoạch Cơ bản đầu tiên cho việc thực hiện nền kinh tế hydro – tài liệu pháp lý quan trọng đặt nền móng cho toàn bộ chuỗi giá trị hydro sạch từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển đến sử dụng. Đặc biệt, luật pháp đã được sửa đổi để hợp pháp hóa hoạt động phát điện bằng hydro, đồng thời giới thiệu hệ thống Nghĩa vụ Phát điện Bằng Hydro Sạch (CHPS) – cơ chế buộc các nhà sản xuất điện phải sử dụng tỷ lệ nhất định hydro sạch trong cơ cấu năng lượng.
Một trong những nội dung nổi bật là việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phân loại và chứng nhận hydro sạch theo bốn cấp độ, dựa trên lượng khí nhà kính phát thải trong suốt chuỗi sản xuất. Cơ chế hỗ trợ tài chính cũng được thiết kế theo phương pháp hợp đồng chênh lệch giá (Contract for Difference – CfD), nhằm bù đắp chênh lệch giữa chi phí sản xuất điện từ hydro với giá thị trường.
Bên cạnh chính sách, Hàn Quốc đang tích cực triển khai các dự án thí điểm có quy mô lớn và ứng dụng thực tiễn cao. Tại đảo Jeju, tổ hợp điện phân nước Haengwon với công suất giai đoạn đầu 3,3 MW – kết hợp điện gió – đã đi vào hoạt động và sẽ được mở rộng lên 12,5 MW trong giai đoạn tiếp theo. Hydrogen được sản xuất tại đây cung cấp cho trạm nạp hydro sạch Hamdeok, nơi phục vụ xe buýt và ô tô chạy hydro, đồng thời là hạ tầng chủ chốt trong chương trình giao thông xanh của tỉnh đảo này.
Ngoài ra, mô hình “Thành phố thí điểm hydro” đang được triển khai tại Ulsan và Ansan, với việc lắp đặt pin nhiên liệu tại các khu dân cư, đưa vào vận hành xe buýt và xe con chạy hydro, cùng hệ thống ống dẫn hydro dài hàng chục km. Cùng lúc, Hàn Quốc thúc đẩy mô hình “trạm năng lượng siêu cấp” – nơi tích hợp pin nhiên liệu, trạm sạc xe điện, điện mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng – giúp chuyển đổi các trạm xăng truyền thống thành trung tâm năng lượng sạch đô thị.
Về chiến lược dài hạn, Hàn Quốc đặt mục tiêu cung ứng 27,9 triệu tấn hydro vào năm 2050, trong đó 100% là hydro sạch và hơn 80% được nhập khẩu từ các đối tác như Úc, Trung Đông, Bắc Phi. Trong giai đoạn đến năm 2030, phần lớn nhu cầu hydro sẽ tập trung cho phát điện và giao thông. Quốc gia này cũng đang mở rộng thị trường đấu giá điện hydro để khuyến khích đầu tư vào nhà máy điện sử dụng pin nhiên liệu, tuabin hydro và đồng đốt với amoniac.
Bài trình bày của Tiến sĩ Kim cho thấy Hàn Quốc không chỉ đặt mục tiêu phát triển công nghệ mà còn xây dựng một mô hình vận hành thị trường hydro bài bản và khả thi. Cách tiếp cận tổng thể này có thể trở thành hình mẫu để các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tham khảo và hợp tác trong hành trình hướng tới trung hòa carbon và phát triển bền vững.