CHƯƠNG TRÌNH LIÊN HOAN TUỔI TRẺ SÁNG TẠO VÀ GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT NAM – ASEAN VÀ TỌA ĐÀM “GIÁO DỤC TRONG MÔI TRƯỜNG ĐA VĂN HÓA: HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”

Ngày 31/5/2023, chương trình Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo và giao lưu văn hóa Việt Nam – ASEAN + và tọa đàm quốc tế “Giáo dục trong môi trường đa văn hóa: Hiện trạng và giải pháp” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM, Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP.HCM đồng tổ chức trong khuôn viên của nhà trường ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM.

 

Tham dự chương trình, về phía Văn phòng Văn hóa – Kinh tế Đài Bắc và khách quốc tế có sự hiện diện của: Ths. Trần Hiếu Thành - Phó Lãnh sự, GS. TS. Trần Hòa Hiền - Tham tán Giáo dục, Ms. Serene Chong – Ban chấp hành Hiệp hội thương mại Malaysia tại Việt Nam. Về phía trường quốc tế Taipei tại TP.HCM có sự tham dự của: Ông David Yuan - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Đài Loan tại TP.HCM, Thầy Chiang Chun Jen – Hiệu trưởng, Cô Ann Liu - Chủ nhiệm Phòng Quốc Tế, Cô Sylvie Chen – Tổ trưởng phụ trách phong trào, Cô Rachel Chang – Tổ trưởng phụ trách học tập. Ngoài ra, đại biểu từ các cơ sở quản lý giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học

có sự tham dự của: Ông Đặng Nguyễn Thịnh - Trưởng phòng và ông Hà Thanh Hải – Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục & Đào tạo Quận 7; TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – ĐNA TP.HCM, Ths. Trần Thị Thu Thủy – Giám đốc Quan hệ Chính phủ, Truyền thông và Quan hệ công chúng, Tập đoàn Giáo dục EQuest; Ths. Hoàng Sơn Giang – Trưởng phòng quản lý khoa học, Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ Trẻ Thành đoàn TP.HCM. Về phía Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM có sự tham dự của:  Ths. Phan Hiếu Nghĩa – Phó tổng thư ký, Ks Lê Ngọc Ánh Minh – Chủ nhiệm CLB Hydrogen Việt Nam - ASEAN, Giám đốc Pacific group. Ngoài ra chương trình còn có sự tham dự của Hoa Hậu Môi Trường Thế giới 2023, Đại sứ Thiện chí trẻ Liên Hiệp Quốc Nguyễn Thanh Hà, Á hậu, Đại sứ Kebaya Đông Nam Á Nguyễn Vĩnh Hà Phương, Ông Nguyễn Văn Đắng - Phó tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco),..

 

Khai mạc chương trình tọa đàm quốc tế, TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG - HCM đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục đa văn hóa đồng thời cũng chia sẻ: Trường ĐH KHXH&NV là một trong hai trường đào tạo các nội dung về khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia lớn nhất cả nước, với triết lý giáo dục: toàn diện, khai phóng, đa văn hoá. Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện thuận lợi để các khoa, trung tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Giáo dục đa văn hóa là một đề tài nghiên cứu theo đúng định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay và sự hợp tác với Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP. HCM với sự tham dự của nhóm học sinh - tham gia câu lạc bộ đại sứ văn hóa của trường, có đại diện của các học sinh, các gia đình đa văn hoá chắc chắn sẽ giúp nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN có thêm tư liệu thực tiễn về giáo dục từ mầm non đến Trung học phổ thông từ Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP. HCM, tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách phát triển giáo dục đa văn hóa đồng thời nhấn mạnh vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng và phẩm chất của các học sinh hiện nay.

 

Tiếp đến là chương trình giao lưu văn hóa và mở đầu, tiết mục nhảy hiện đại sôi động do các em học sinh trường quốc tế Đài Bắc tại TP.HCM biểu diễn đã gây ấn tượng với khách mời bởi sự đầu tư và luyện tập công phu. Tiết mục trình diễn thời trang đậm chất văn hóa dân tộc các nước ASEAN và phần biểu diễn áo dài truyền thống của Nhà thiết kế Năm Tuyền rất đặc sắc đến từ Chi hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á trường ĐH Mở TP.HCM. Đại sứ Kebaya Châu Á 2022 – Nguyễn Vĩnh Hà Phương tham dự chương trình đã trình diễn nhạc phẩm Nàng thơ xứ Huế mang âm hưởng nhẹ nhàng và đong đầy tình yêu quê hương đất nước.

 


Tiết mục nhảy hiện đại của các học sinh trường quốc tế Đài Bắc tại TP.HCM

 

 


 

Phần trình diễn Áo dài truyền thống Việt Nam

 

 

Đại sứ Kebaya Nguyễn Vĩnh Hà Phương

 

Mở đầu phần tọa đàm quốc tế “Giáo dục trong môi trường đa văn hóa: hiện trạng và giải pháp”, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân trình bày bài tham luận về Công dân toàn cầu. Bạn là ai? Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế thế giới từ những năm 90 và sau hơn 30 năm, đất nước cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của việc hội nhập. Đảng và nhà nước ta đã đưa ra các nghị quyết, chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt. Với những chia sẻ với các đại diện sinh viên, học sinh về những yêu cầu đặt ra cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay, các bạn thanh niên đều đồng tình bên cạnh kiến thức tích hợp đa ngành, thái độ luôn lắng nghe, tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo thì những kỹ năng hội nhập, ngoại ngữ, giao tiếp và quản lý xuyên văn hóa, công nghệ thông tin là cần thiết và quan trọng cần được trao dồi. Với lợi thế học tập trong môi trường quốc tế, có nhiều ngoại ngữ, am hiểu cả văn hóa Việt Nam và Đài Loan, các bạn học sinh trường Đài Bắc chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi trên bước đường trở thành công dân toàn cầu, đóng góp cho quê hương, đất nước.

 

Tại tọa đàm, Giáo sư Tiến sĩ Trần Hòa Hiền chia sẻ về chính sách giáo dục Đài Loan trong chuyển đổi kỹ thuật số và biến đổi khí hậu. Theo các mục tiêu phát triển bền vững của Đài Loan, sáu hành động chuyển đổi chính là: tăng cường năng lực nguồn nhân lực, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp lương thực bền vững và bảo tồn sinh thái, thành phố thông minh và cách mạng kỹ thuật số bền vững. Để làm cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trở nên bền vững và tạo ra lợi ích công cộng, hãy đẩy nhanh việc thúc đẩy cách thức các công nghệ mới nổi như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối,... nhằm đẩy nhanh chiến lược thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Trên cơ sở thúc đẩy giáo dục môi trường trong 30 năm của MOE, định hướng chính sách mới "Phát triển giáo dục môi trường thế hệ mới (Newgeneration Environmental Education Development, NEED)" sẽ không chỉ có thể chuyển đổi giáo dục môi trường hiện tại, từ việc tập trung vào một khía cạnh duy nhất của môi trường, mà còn mở rộng ra tư duy có hệ thống tổng thể về xã hội và kinh tế, đồng thời có thể dẫn đến một định hướng vấn đề tích cực và hướng tới tương lai để tìm kiếm giải pháp.

 

Tiếp đến, Ths. Trần Hiếu Thành có bài trình bày nội dung về tầm quan trọng của kiến thức đa văn hóa đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Ông chia sẻ: “Tiếp xúc đa văn hóa và giao lưu với quốc tế có hai ưu điểm nổi bật rất đáng kể. Một là mở rộng tầm nhìn biết thêm kiến thức. Hai là tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho bản thân chúng ta.”

 

Bà Serene Chong với bài chia sẻ về các chính sách giáo dục đa văn hóa của Malaysia và đồng thời đưa ra vài gợi ý dành cho các trường ở Việt Nam để đẩy mạnh giáo dục đa văn hóa. Malaysia là một quốc gia đa tộc người, do đó chính sách giáo dục đa văn hóa của Malaysia nhằm mục đích thúc đẩy sự gắn kết xã hội, thống nhất và hiểu biết giữa các nhóm dân cư đa dạng của mình. Đất nước này là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác nhau, bao gồm người Mã Lai, người Hoa, người Ấn và cộng đồng bản địa. Nền giáo dục đa văn hóa ở Malaysia được thể hiện qua các nội dung về Bối cảnh lịch sử, Quốc ngữ, Giáo dục bản ngữ, Chương trình giảng dạy quốc gia, Giáo dục đạo đức, Hoạt động ngoại khóa, Đoàn kết và Hội nhập, Sáng kiến giáo dục đặc biệt, Đào tạo giáo viên và Phát triển chuyên môn, và đóng góp xã hội.

 

Trước khi chuyển sang phần tọa đàm, Hoa Hậu Môi Trường Thế giới 2023, Đại sứ Thiện chí trẻ Liên Hiệp Quốc - Ms. Nguyễn Thanh Hà cũng đã phát biểu chia sẻ cảm nghĩ về chương trình: "Sứ mệnh của tuổi trẻ, đúng như thông điệp mà chương trình hôm nay nêu tên, là "tuổi trẻ sáng tạo", là trong không gian "giao lưu văn hóa Việt Nam - ASEAN +" là giáo dục sẽ là nguồn cảm hứng giúp người trẻ hiểu vấn đề của các quốc gia xung quanh mình, bạn bè bên cạnh mình, dù chúng ta có khác tiếng nói, hay xa nhau về mặt địa lý.”

 

KS. Lê Ngọc Ánh Minh truyền cảm hứng đến các bạn thanh niên, giới thiệu về Diễn đàn sáng tạo dành cho thanh niên ASEAN, gợi ý các em suy nghĩ thêm về các giải pháp khai thác, thu hồi nhiệt thừa phục vụ cuộc sống.

 

 

Phát biểu bế mạc, ông David Yuan - Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Đài Bắc tại TP.HCM đã bày tỏ sự vui mừng về sự thành công của buổi tọa đàm, mở rộng thêm nhiều cơ hội giao lưu hợp tác đa văn hóa giữa nhà trường và các cơ sở giáo dục tại TP.HCM cũng như các địa phương khác ở Việt Nam.

 


Khách mời cùng Đại sứ văn hóa Trường Quốc tế Đài Bắc tham quan thư viện trường

 


Tham quan khuôn viên trường

 


Đại biểu cùng chụp hình lưu niệm

 


Khách mời trong phần tọa đàm (từ trái sang): HH Nguyễn Thanh Hà, Đại sứ Kebaya Nguyễn Vĩnh Hà Phương, Bà Serene Chong, GS.TS. Trần Hòa Hiền, Ths. Trần Hiếu Thành, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, Ks Lê Ngọc Ánh Minh, Đại diện nhóm Đại sứ văn hóa Trường Quốc tế Đài Bắc tại TP.HCM

 


Chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình

 


PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cùng các Đại sứ Văn hóa

logo

 

 

 

 

1676022487712.6707 1

 

Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN (VAHC)

Thông tin liên hệ:Ban thư ký CLB VAHC

Số điện thoại: 093 691 7386

Email: gs@vahc.com.vn

contact@vahc.com.vn

 

Địa chỉ: Phòng 101, tòa nhà Royal Kim Sơn, số 112 ,Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, Hồ Chí Minh.

Page VAHC: Tại đây

Website: https://vahc.com.vn

 

Copyright by VAHC

mess.png

zalo.png

call.png